Chúa Nhật I Mùa Vọng – B - Hạt giống Lời Chúa | GIÁO XỨ LỘC THỦY
12 Thánh tông đồ Audio suy niệm Audio truyện Công giáo Âm nhạc Bài Giảng mp3 Bạn có biết bạn trẻ xa nhà Bảo vệ sự sống Blog tips Ca kịch công giáo Các bài giáo lý của ĐTC Phanxicô Các hội đoàn Các mục chính Các Thánh Các thánh địa Công giáo Các thánh khác Các Tuần Cửu Nhật Kính Đức Mẹ Các vấn nạn xã hội Cắm hoa nghệ thuật Câu chuyện Giáng Sinh Châm ngôn công giáo Chiêm ngắm Chúa Chuyện phiếm đạo đời Chuyện về Giáo Lý và Giáo Dục Công Giáo đó đây Cửu Nhật Kinh Nguyện Danh Danh bạ website các giáo xứ - giáo họ việt nam Danh bạ website công giáo Di sản thế giới Du Lịch Đẹp + Để sống đạo hôm nay Đôi nét về Giáo xứ Đời sống cầu nguyện Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Đức Mẹ Lama Đức Thánh Cha phanxico Đức Tin và Khoa Học Đường Hy Vọng Gia đình Giải đáp thắc mắc cuộc đời Giao hat Vang Mai Giáo hạt Vàng Mai Giáo Hội Đông Phương Giáo lý - dân ca Giáo lý - kinh thánh Giáo sử Giáo xứ Media góc học tập Góc khám phá Góc nghệ thuật Góc thư giãn Góp nhặt Hạt Giống Lời Chúa Hình ảnh cổ xưa Hình ảnh Giáo xứ Lộc Thủy học tiếng anh Hướng dẫn sử dụng webblog Kết nối websites Kiến thức phổ thông Kính Đức Mẹ Kinh thánh tiếng anh Lẽ sống Lịch sử các Dòng tu Lịch sử Giáo Hội Việt Nam Lịch sử hình thành Giáo xứ Lộc Thủy Lòng Thương xót Chúa Lộc Thủy Lời Chúa qua bài hát Lời chúa theo chủ đề Mùa Vọng - Advent Năm thánh Lòng Thương Xót Nghe và suy gẫm Nghệ thuật Công Giáo Nghệ thuật sống Ơn gọi-tận hiến Phim công giáo Quỳnh lưu Radio Công Giáo Sách Công giáo sách tháng đức bà Sắc màu cuộc sống Sổ tay sinh hoạt suy gẫm Suy gẫm và Cầu nguyện Suy niệm Lời Chúa Suy niệm Lời Chúa mùa Phục Sinh Suy niệm Lời Chúa mùa TN A Suy niệm Lời Chúa năm A Suy niệm mùa chay Sức khỏe - ẩm thực Tài liệu Công Giáo tổng hợp Tài liệu dạy Giáo Lý Tài liệu Tuần Thánh Thánh ca Thánh ca cầu nguyện Thánh Ca Hoàng Diệp Thánh Mẫu học Thánh Mẫu La vang Thế giới Công Giáo Thơ - Truyện Công Giáo Thơ Công Giáo Thơ và cuộc sống Thủ thuật blog Thủ thuật facebook Thủ thuật google + Thư Viện Công Giáo Tiếng anh qua Lời Chúa Tiêu điểm Tìm hiểu phụng vụ Tin Công Giáo Tin Giáo xứ Tin tức Giáo xứ Lộc Thủy Tin Việt Nam và Thế Giới Tổ chức kỳ thi Giáo lý Tông huấn Giáo hội Công giáo Trang Trí Giáng Sinh Trắc nghiệm Giáo lý Trắc nghiệm Kinh Thánh Trắc nghiệm năm đức tin Truyện Công Giáo Truyện về Mẹ Tư liệu Giáo hội Công giáo việt nam Tư liệu Giáo phận Vinh Tư liệu Giáo xứ Lộc Thủy Từ vựng công giáo Anh-việt Tv Công giáo TVs và Radios khắp nơi Vấn đáp đức tin công giáo Videos Đặc Sắc Vietnamese English Prayers Vinh Quang Đức Maria Website Công Giáo bổ ích

Chúa Nhật I Mùa Vọng – B - Hạt giống Lời Chúa

12:35:00
-->

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 13, 33-37).

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào. Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức.

Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ. Điều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!" 


Đó là lời Chúa

Mục lục:


SUY NIỆM
Tỉnh Thức Và Cầu Nguyện
ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt
Trg 3
Khao Khát Chúa
PM. Cao Huy Hoàng
Trg 5
Người Giữ Cửa Phải Canh Thức
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty
Trg 8
Hãy Tỉnh Thức Keri Thiệt Thân”
Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền
Trg 10
Tỉnh Thức Để Tự Cứu Mình
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Trg 12
Đợi Chờ Trong Hi Vọng
Lm. Trần Bình Trọng
Trg 14
Phải Tỉnh Thức Và Sẵn Sàng
JKN
Trg 16
Ngày Tận Thế 21/12/2012?
AM. Trần Bình An
Trg 19
Đừng Vô Cảm
Phó tế Thomas Nguyễn Văn Hiệp
Trg 21
THƠ TIN MỪNG
Tỉnh Thức
Hạt Nắng
Trg 23
Tỉnh Thức
M. Madalena Hoa Ngâu
Trg 24
Khát Vọng
Bâng Khuâng Chiều Tím
Trg 25
Mùa Vọng & Tỉnh Thức
Lm. Khuất Dũng sss
Trg 26
Chờ Người
Thanh Sơn
Trg 27
Tỉnh Thức
Mic. Cao Danh Viện
Trg 28
Đợi Trông
Đỗ Văn
Trg 28
Tỉnh Thức
Giuse Nguyễn Văn Sướng
Trg 29
Tỉnh Thức Sẵn Sàng
Vincent Khánh Trần
Trg 30
Trông Đợi
Paul Nguyễn Minh Thông
Trg 31
Thức Tỉnh Vọng Chúa
Cát Vàng
Trg 32
Bóng Đêm Và Ánh Sáng
Nắng Sài Gòn
Trg 33
Đánh Thức
AP. Mặc Trầm Cung
Trg 34


TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt


Mùa Vọng là mùa chờ đón Chúa đến. Chúa sẽ đến nhưng ta không chắc gặp được Người. Vì Người đến rất bất ngờ và rất âm thầm. Muốn gặp được Chúa ta phải tỉnh thức.

Tỉnh thức có nghĩa là đừng mê ngủ. Chúa thường hay đến vào ban đêm nghĩa là vào lúc ta không ngờ. Đời sống có những bóng đêm ru ta ngủ say mê khiến ta không gặp được Người. Có những bóng đêm của tội lỗi giam cầm hồn ta trong giấc ngủ bạc nhược khiến ta không còn đủ sức thoát ra. Tội lỗi lôi kéo tội lỗi. Tội lỗi chồng chất giống như những tảng đá gìm ta xuống vực sâu vô tận. Có những bóng đêm của danh vọng ru hồn ta ngủ quên trên vinh quang chói lọi. Vinh quang giống như ngọn đèn đốt cháy biết bao đời thiêu thân. Có những bóng đêm của xác thịt cuốn hồn ta vào giấc mộng lạc thú. Lạc thú giống như chiếc lưới rất mềm mại, rất nhẹ nhàng, nhưng rất hiểm độc. Linh hồn đã sa vào khó có thể thoát ra. Có những bóng đêm của thói ích kỷ chỉ biết sống cho bản thân mình. Ích kỷ giống như một hang sâu, càng đi vào càng thấy tối tăm. Có những bóng đêm của tiền tài bao phủ ta trong giấc mộng giàu sang phú quí. Chìm đắm trong giấc mộng, ta sẽ chẳng nghe được bước chân Chúa đi qua.

Tỉnh thức cũng có nghĩa là tỉnh táo phân định. Chúa đến rất âm thầm và rất bé nhỏ. Người không đến với cờ quạt trống phách tưng bừng, nhưng đến trong âm thầm lặng lẽ. Người không đến trong uy nghi lẫm liệt của những vị vương đế, nhưng Người đến trong hiền lành khiêm nhường như một người phục vụ. Người không mặc gấm vóc lụa là, nhưng đơn sơ trong y phục dân dã. Người không đến như vị quan toà nghiêm khắc, nhưng như một người cha nhân hậu, một người bạn dễ thương dễ mến. Người đang đến qua những con người hiền lành bé nhỏ quanh ta. Người đang đến trong những con người khốn khổ túng cùng. Người đang đến qua những khuôn mặt xanh xao hốc hác. Người đang đến trong những tấm thân gầy guộc. Người lẫn vào giữa đám đông vô danh. Người chìm mất trong số những kẻ bị loại ra ngoài lề xã hội. Người ẩn mình giữa đám người ăn xin đang lê bước khắp các nẻo đường cát bụi. Người đang rét run với cặp mắt ngơ ngác thất thần ở giữa những nạn nhân bão lụt. Phải tỉnh táo lắm mới nhận ra Người. Phải tỉnh thức lắm mới gặp được Người.

Tỉnh thức là bắt tay vào hành động.Tỉnh thức không có nghĩa là cứ ngồi đó mà chờ đợi. Chúa như ông chủ đi vắng. Người cho ta được toàn quyền khi Người vắng nhà. Người giao trách nhiệm cho ta trông coi gia đình ta, giáo xứ ta, địa phương ta, đất nước ta và cả thế giới nơi ta đang sống. Ta được tự do hành động. Ta có trách nhiệm làm cho gia đình, xứ đạo, địa phương, đất nước, và cả thế giới được phát triển về mọi mặt. Vì thế, tỉnh thức là nhìn thấy những nhu cầu của anh em, và đáp ứng những nhu cầu đó. Tỉnh thức là nhìn thấy ý Chúa trong những trào lưu thời đại. Tỉnh thức là nhận biết Chúa hành động trong những tâm hồn thiện chí thuộc các niềm tin, mầu da, quan điểm khác nhau để biết cộng tác trong việc xây dựng xã hội. Tỉnh thức là dấn thân hy sinh phục vụ anh em trong quên mình.

Ngay từ đầu mùa Vọng, Chúa mời gọi ta hãy tỉnh thức. Hãy bước ra khỏi giấc ngủ miệt mài, lười biếng. Hãy đoạn tuyệt với những giấc mộng phù hoa. Hãy thôi đuổi theo những đam mê dục vọng. Hãy nói không với những đồng tiền bất chính.

Hãy tỉnh táo phân định để nhận ra dung mạo thực sự của Đức Kitô. Đừng chạy theo những khuôn mặt mang dáng vẻ cao sang quyền quý. Đừng chạy theo những khuôn mặt nặng về quyền lực. Đừng chạy theo những lời hứa hẹn giàu sang. Dung mạo đích thực của Đức Kitô là nghèo hèn, là khiêm nhường, là bé nhỏ.

Hãy tỉnh thức để làm việc không ngừng, để quên mình, hi sinh phục vụ cho lợi ích của đồng loại.

Như thế, tỉnh thức không phải là việc dễ dàng. Tự sức ta sẽ khó mà tỉnh thức. Nên ta phải tha thiết cầu nguyện xin ơn Chúa trợ giúp. Có ơn Chúa thúc đẩy, ta mới có thể dứt bỏ con đường tội lỗi xưa cũ. Có ơn Chúa soi sáng, ta mới đủ tỉnh táo nhận ra dung mạo đích thực của Đức Giêsu. Có ơn Chúa trợ giúp, ta mới đủ hăng hái ra đi phục vụ trong quên mình.

Lạy Chúa, xin giữ hồn con tỉnh thức để con nhận biết Chúa đang đến với con trong cuộc sống hằng ngày. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ
  1. Tỉnh thức là đừng mê ngủ. Hãy kể ra những bóng tối khiến ta mê ngủ?
  2. Tỉnh thức là tỉnh táo phân định. Làm thế nào để nhận ra khi Chúa đến?
  3. Tỉnh thức là phải hành động. Muốn tỉnh thức, bạn phải làm những gì?
  4. Mùa Vọng này, bạn quyết tâm làm gì để tỉnh thức?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt



KHAO KHÁT CHÚA
PM. Cao Huy Hoàng, 24-11-2011


Mở đầu Mùa Vọng, Chúa Giêsu tha thiết kêu gọi chúng ta hãy “tỉnh thức và cầu nguyện”. "Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc nào chủ về” (x.Mc 13, 33-37)

Mỗi người đang có một ước mơ, một khát vọng trong lòng. Có thể, không ai hiểu ai. Nhưng không ai sống mà không khát vọng. Đời người là một Mùa Vọng. Chỉ tiếc là, có những khát vọng làm cho con người ra ra hư đốn.

Chẳng hạn:
- Có ai ngờ được người đang có quyền có tiền lại đang khát chia nhau một phần lợi lộc béo bở nếu cùng nhau toa rập bán được một lô đất ăn cắp. Họ bất chấp công lý, đạo đức, luật pháp, miễn là thỏa cơn khát quyền lực, cơn khát tài sản!
-Có ai ngờ được người đang có nhà cao cửa rộng, xe hơi bóng loáng lại khát đổi nhà đổi xe cho sang trọng hơn giữa những người vô gia cư, bất hạnh, què quặt… đang lê la cuộc đời trước mắt mình, dưới chân mình.

Hôm nay, được mời đi chơi với các đại gia, nhìn thấy người ta quá giàu có, sang trọng, tiêu xài thoải mái, vui chơi thỏa thích, em tôi nhắn về cho tôi tin nầy: “Khi người ta quá đầy đủ, còn nhớ đến Thiên Chúa nữa không?” Lặng đi mấy phút, tôi tạ ơn Chúa vì em đang nhớ đến Chúa giữa cuộc du lịch, giữa khu du lịch ĐN ồn ào, sôi động. Tôi trả lời: “Em lầm rồi, họ chưa đầy đủ đâu. Còn khát lắm. Ai biết?”.

- Có ai ngờ được người đang có một cuộc sống thiêng thánh lại khát những điều mê muội thấp hèn. Trong đó, có tôi, có bạn, có tất cả những Kitô Hữu, không kể thành phần nào, vẫn không tránh khỏi nghiêng chiều về những thực tại thấp hèn, phù du, chóng vánh.

Tin mừng khai mạc Mùa vọng nhắc nhớ cho chúng ta về khát vọng chính đáng nhất trong cuộc đời: Khát Chúa ngự trị trong căn nhà tâm hồn bé nhỏ, vì chỉ có Chúa mới làm cho chúng ta thỏa cơn khát vô biên. “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi. Hồn tôi mới được nghỉ ngơi an bình” (Tv 61)
Thánh Augustin : “Chúa là khát vọng của lòng tôi, tôi sẽ khắc khoải cho đến khi được an nghỉ trong Chúa”.

Có thể nói đoạn sách của Isaia và Thánh Vịnh 79, đáp ca hôm nay đã để cho chúng ta mẫu gương Khát Chúa rất quí giá:
Dân Chúa tha thiết kêu xin: “Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống” (Is. 63) để phục hồi những gì đã tàn hoang, “xin Chúa thương trở lại, tự trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành nho mà Ngài đã củng cố cho mình” (x. TV 79).

Khát vọng của Dân Chúa là một khát vọng chính đáng, một khát vọng thánh thiện: khát vọng Chúa nhìn xem, bảo vệ, củng cố công trình Ngài đã thiết lập: “vườn nho” Giáo Hội mà Chúa đã ươm trồng, “nhà cửa” linh hồn, thân xác, đức tin mà Chúa đã để lại cho chúng ta quản lý trông nom.

Như vậy:
- Khát vọng chính đáng của chúng ta là khát vọng Chúa phục hồi con người chúng ta để sống đúng với danh nghĩa, với tư cách là con cái của Ngài mà chúng ta đã vì những khát vọng bất chính mà đánh mất.
- Khát vọng chính đáng ấy là khát vọng Chúa đến ngự giữa tâm hồn, giữa gia đình chúng ta, cộng đoàn chúng ta, để Ngài can thiệp vào đời sống chúng ta: nhìn xem, bảo vệ, củng cố giáo hội cơ bản của Ngài.
- Khát vọng chính đáng ấy, thiết tưởng, không phải là khát vọng đối đầu thành công với thế lực gian tà của ma quỷ, nhưng là khát vọng làm chứng cho công lý cho sự thật, thức tỉnh những con người mê muội, cải tạo những con người bị ma quỷ giáo dục sớm nhận ra uy quyền của Thiên Chúa.
- Khát vọng chính đáng ấy không phải là khát vọng Chúa sẽ ra tay đàn áp những người đàn áp, Chúa sẽ phỉ nhổ nhục mạ những người phỉ nhổ nhục mạ, Chúa sẽ xử luật rừng với người chơi luật rừng… nhưng là để Chúa phục hồi lại nhân phẩm tồi tệ của những con người kia cũng là con cái của Chúa, kẻo uổng công trình Chúa cứu chuộc.
- Khát vọng chính đáng ấy là khát vọng nên công chính cho mình và cho mọi người, cho xã hội, cho đất nước, cho cả những người đang chìm ngập trong bất công, gian tà, bạo lực.
- Khát vọng chính đáng ấy là khát vọng tỉnh thức trước những nguy cơ làm cho chúng ta xa cách Chúa, tỉnh thức trước nguy cơ Satan hóa bản thân, gia đình, đất nước chúng ta.

Để thực hiện được khát vọng chính đáng, “Khát Vọng Chúa”, khát vọng nên công chính, Thánh Phaolô kêu gọi chúng ta: dừng chân ngay những hành vi ám muội, bất chính; xóa bất công xây bình an trong lòng; mặc lấy khí giới ban sự sống; và sống công minh như giữa ban ngày. (x.Rm 13,1-14). Bởi vì, chúng ta đã và đang có những khát vọng bất chính rồi ra dững dưng ơ hờ trước lời kêu gào thống thiết với khát vọng chính đáng của dân Chúa khắp nơi nơi.

Biết không phải dễ dàng mà chúng ta buông bỏ những khát vọng bất chính, biết đôi khi khát vọng bất chính lại len lấn ẩn tàng ngay trong những hành vi tưởng như là công chính, cho nên, Thánh Phaolô lại khuyên chúng ta hãy dùng nguồn trợ lực quí giá là ân sủng của Thiên Chúa và yên tâm, kiên vững kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô: “Vì chưng, trong Ngài, anh em được tràn đầy mọi ơn: ơn ngôn ngữ và ơn hiểu biết, đúng như Chúa Kitô đã minh chứng nơi anh em, khiến anh em không còn thiếu ơn nào nữa trong khi mong chờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra. Cũng chính Ngài sẽ ban cho anh em bền vững đến cùng, không có gì đáng trách trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ngự đến”. (1 Cr 1, 3-8)

Thiết nghĩ, khao khát Chúa, mỏi mòn khao khát Chúa, tuyệt đối khao khát Chúa, khát vọng nên công chính, khát khao hết hiệp với Chúa Giêsu, là biết tỉnh thức và cầu nguyện vậy.

Cụ Chu, người xướng kinh trong nhà thờ ở Gx tôi đã yếu liệt bỏ ăn bỏ thuốc cả tuần nay. Anh em đến thăm cụ và đọc kinh xin ơn chết lành. Sau giờ kinh, chuyện trò với cụ. Cụ vui vẻ nói “Xin Chúa đến rồi, mà mấy hôm nay Chúa bận quá. Để từ từ Chúa sắp xếp. Chờ thôi. Chắc thứ sáu”. Thiết nghĩ, cụ đã làm gương cho chúng tôi về việc tỉnh thức, cầu nguyện và sẵn sàng đón Chúa đến.

Lạy Chúa, xin cho chúng con tỉnh thức trước những nguy cơ xa cách Chúa và luôn biết khát khao kết hiệp với Chúa từng phút giây trong cuộc đời, để Chúa làm chủ mọi ý tưởng, lời nói, việc làm của chúng con.

Nguyện xin Vị Tôi Tớ Chúa, Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, Người đã luôn tỉnh thức cầu nguyện trong tù, phù hộ cho chúng con. A men


PM. Cao Huy Hoàng, 24-11-2011

NGƯỜI GIỮ CỬA PHẢI CANH THỨC
Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

Hai anh em chuyên viên Kinh Thánh Bernard Louis Hurault chú giải như sau về đoạn Tin Mừng này: “Đây là một đoạn thu gom dụ ngôn những yến bạc (Mt 25,1tt) và dụ ngôn mười trinh nữ (Mt 25, 1tt). Đoạn văn dạy chúng ta phải biết chờ đợi Chúa đến bằng cách hoàn tất công việc Người giao phó. Người giữ cửa tượng trung cho các người có trách nhiệm lãnh đạo trong Giáo Hội; họ không phải là chủ, nhưng chỉ là người nắm giữ chìa khóa của Hội Thánh”.

Quả đúng như vậy! Đối tượng trực tiếp nhất của mệnh lệnh ‘phải tỉnh thức và sẵn sàng’ mà đức Giê-su gióng lên với tất cả thành khẩn chính là các tông đồ hoăc các môn đệ thâm tín nhất; cho dầu sau đó ngài có mở rộng lệnh này tới mọi người Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức! Chính vì thế mà khi chọn Tin Mừng này để khai mở cho một năm phụng vụ mới (năm B), Hội Thánh hầu như muốn nhắc nhở cho mình và cho mọi Ki-tô hữu về phận vụ then chốt được giao phó: phải canh thức! Mười hai tông đồ trước nhất, rồi sau đó là các người có trách nhiệm lãnh đạo trong Hội Thánh, được đức Giê-su ví như người giữ cửa. Ông chủ không trao cho người giữ cửa trách nhiệm cai quản và sắp đặt mọi việc trong nhà, vì chính ông trước khi trẩy đi phương xa, để lại nhà, trao quyền cho các đầy tớ mình, chỉ định cho mỗi người một việc”. Việc cắt đặt và xác định phận vụ từng người trong Vương Quốc hoàn vũ thuộc về Ông Chủ. Riêng với người giữ cửa, ông ra lệnh Phải canh thức!Như vậy phận vụ của người giữ cửa không phải để duy trì trật tự trong nhà, điều động các đầy tớ chu toàn công việc đâu ra đó. Người giữ cửa phải canh thức vì một mục đích duy nhất: ‘… khi nào chủ nhà đến: lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng…” sẽ nhận ra ông và mở cửa đón ngay… kẻo lỡ chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ”. Thế thì đã rõ ràng: công việc chính mà Hội Thánh nói chung và hàng giáo phẩm lãnh đạo nói riêng phải chu toàn chính là luôn sẵn sàng và tỉnh táo để nhận ra Ông Chủ cho dầu Ông đến bất chợt bất cứ lúc nào. Các gia nhân khác đều có việc riêng của họ, duy người giữ cửa được cắt đặt để làm việc này. Phận vụ riêng của Hội Thánh là luôn tỉnh táo để nhận ra Thiên Chúa đến vào bất kỳ lúc nào và dưới bất cứ hình thức nào, mà mở cửa đón Người.

Và nếu ông chủ đó có diện mạo đặc biệt mà đôi khi chỉ mình người giữ cửa mới biết, thì anh lại càng phải canh thức vì trọng trách anh quá lớn đối với mọi gia nhân trong nhà. Ông Chủ mà Hội Thánh phải canh thức và tỉnh táo chờ đón có diện mạo nhân ái và giầu lòng xót thương của một Thiên Chúa cứu độ được đức Giê-su mạc khải. Diện mạo này không một ai khác nhận ra được ngoài những người đã đón nhận Tin Mừng. Phê-rô và phẩm trật Giáo Hội là người giữ cửa nắm chìa khóa đón nhận Thiên Chúa cứu độ. Trách vụ này không nhằm khóa kín để ơn cứu độ chỉ tới được một thiểu số, mà là để nhận ra ngay Ông Chủ nhân ái, cho dầu Người có đến bất cứ lúc nào và cải trang dưới bất kỳ hình thức nào. Hội Thánh phải canh thức và tỉnh táo để mau mắn nhận ra Thiên Chúa yêu thương và giới thiệu Ngài cho mọi người. Chỉ sợ người giữ cửa quá lo toan, quá say mê sắp xếp công việc trong nhà, tâm trí bị thu hút vào các vấn đề linh tinh khác, tựa như “… đang ngủ”, để rồi quên bẵng diện mạo độc đáo của Chủ và không nhận ra khi Người đang đến cách bất chợt nhất. Nguy cơ này là rất lớn và có thể xảy ra trong mọi thời đại’

Phải chăng đức Gio-an XXIII và Công Đồng Chung Va-ti-can II đã muốn canh tân Giáo Hội ở chính điểm mấu chốt này, khi kêu gọi mọi Ki-tô hữu, nhất là những ai có trách nhiệm lãnh đạo trong Giáo Hội, hãy không ngừng nhận ra các ‘dấu chỉ thời đại’ như sự hiện diện sống động của Thiên Chúa tình yêu giữa loài người? Giữa lòng nhân loại, chỉ duy Hội Thánh có thể tỉnh táo nhận được ra được khuôn mặt nhân ái của Thiên Chúa và lắng nghe được tiếng Người mời gọi phát ra từ tất cả các ‘dấu chỉ’ đó, cho dầu đôi lúc chỉ biểu hiện toàn tiêu cực như chiến tranh, thiên tai, nghèo đói, bất công… hoặc mang nặng tính thế tục như kinh tế, chính trị, truyền thông, di dân… Khả năng này trước đó có lẽ đã suy yếu lắm rồi.

Như vậy mệnh lệnh ‘phải tỉnh táo và canh thức’ cần vang vọng hơn nữa, đặc biệt phải thấu tới tai những ai được trao phó công việc ‘giữ cửa’. Sứ điệp Mùa Vọng quả là cấp thiết cho tôi cách riêng!

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân ái, Đấng đang và sẽ đến với nhân loại bất chợt và cải trang dưới muôn hình muôn vẻ. Chúa cho con tham gia vào công việc giữ cửa để nhận ra và chào đón Chúa đến. Xin cho Mùa Vọng khởi đầu năm phụng vụ nhắc nhở con về việc con phải làm trong suốt đời Ki-tô hữu và linh mục của mình: nhận ra khuôn mặt nhân ái Chúa để đón tiếp và giới thiệu cho mọi người. Amen

Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB


HÃY TỈNH THỨC KẺO THIỆT THÂN”
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Người Việt Nam có câu “khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống”. Câu này phải là lời cảnh tỉnh cho thái độ sống của chúng ta. “Hãy biết mình, biết người thì mới mong được sống yên ổn, bình an”. Thực vậy, giữa cuộc đời hôm nay đang cạn kiệt chân lý và sự thật thì làm sao dám tin người, tin đời? Thử hỏi, có gì đáng để chúng ta tin ở xã hội hôm nay? Niềm tin đã bị đánh mất bởi biết bao trò gian dối trong nhiều hoạt động từ truyền thông cho tới giáo dục đều đầy dãy trò lừa bịp, gian lận? Thử hỏi có gì đáng tin khi mà người ta đề cao đồng tiền đến mức độ đang tâm lại hại người khác như hàng loạt các đồ dùng giả và kém chất lượng đang bầy bán trên thị trường? Điển hình trong các vụ nổi cộm như: chuyện kem đánh răng giả, đồ chơi trẻ em có chất độc làm hại sức khoẻ trẻ em, chuyện bánh bao nhân làm bằng giấy cạc tông, gạo bằng nhựa . . . Rồi đến chuyện kẹo trộn bột đá bán ra hàng tấn. Đáng ghê sợ là vụ sữa sữa Tam Lộc của Trung Quốc làm chết 3 trẻ em và bịnh 6.200 em khác ở Trung Quốc. Đó là một xì căn đan, một cú sốc toàn xã  hội mà chúng ta đang phải gánh chịu. Theo dõi tình tiết nội vụ, người dễ tính nhất cũng phải buộc miệng kêu lên: “Mấy người sản xuất và buôn bán sao mà ác quá vậy, trẻ em có làm chi nên tội, sao nỡ vì tiền mà giết hại trẻ em!”

Đó là những chuyện gián tiếp hại người, còn trực tiếp vẫn đầy dãy sự tráo trở, gian manh, mất tính người đang diễn ra hằng ngày trong cuộc sống chúng ta. Trớ trêu thay niềm tin đã bị đánh mất giữa người với người ngay tại gia đình, ngay giữa những người ruột thịt vẫn còn đó sự rạn nứt của lòng tin.

Theo dõi tin tức hằng ngày chúng ta có thể thấy: “Hàng loạt vụ vợ giết chồng, con giết cha, anh em trong gia đình gây án mạng với nhau... đã xảy ra trong thời gian gần đây và gây bức xúc trong dư luận xã hội.” Báo Pháp Luật Việt Nam ngày 8 tháng 7 nói như vậy và đặt câu hỏi “Chuyện gì đã xảy ra với ‘tế bào xã hội’ của chúng ta?”

Báo này nêu một số vụ án tiêu biểu như người phụ nữ 38 tuổi ở Pleiku, Nguyễn Hồng Linh, can tội giết chồng. Không phải người chồng không lo làm ăn, không chăm sóc gia đình mà chính người vợ ngoại tình, đẻ 2 con “ngoài luồng” lại còn nhẫn tâm đầu độc cho chồng chết.

Một trường hợp khác, Bùi Văn Hình, 38 tuổi, đã giết cha ruột ở tỉnh Hòa Bình.
Theo http://www.nguoiduatin.vn, bé Vũ Quốc Linh, 3 tuổi, bị chính cha ruột tẩm xăng đốt khiến bé bị bỏng toàn thân và thương tật đến 86%. Một chuyện thật mà cứ ngỡ chỉ có trong phim ảnh hoặc chuyện viễn tưởng.

Hổ dữ không ăn thịt con”, vậy mà một người cha lại có thể nhẫn tâm thiêu sống con mình và bỏ mặc con nhỏ kêu gào thảm thiết trong ngọn lửa nóng bừng. Người cha đó không còn nhân tính, không xứng đáng mang danh “người cha”. Người dưng nước lã cũng không nỡ hành xử với đồng loại như vậy!

Đó là một quang cảnh xã hội xem ra đang mất dần tính người để cho thú tính lộng hành! Làm sao chúng ta có thể có niềm tin nơi nhau khi mà xã hội đầy dãy sự lừa đảo, lưu manh, gian ác đang len lỏi vào từng gia đình, từng đoàn thể, và xã hội? Sống giữa xã hội hôm nay kẻ khôn ngoan phải tỉnh thức đề phòng kẻo thiệt thân mình, mà ân hận cả đời nếu quá tin người. Sống trong xã hội hôm nay chúng ta chớ có quá tin người kẻo thiệt vào thân. Hãy tỉnh thức để chúng ta không bị người khác lợi dụng, hãm hại. Hãy tỉnh thức để chính chúng ta đừng để cho thú tính nổi loạn khiến chúng ta không tự chủ bản thân, dẫn đến hành động đánh mất tính người.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức trước thái độ sống của mình. Chúng ta phải trả lẽ trước mặt Chúa về hành vi của chúng ta, về sự liên đới trách nhiệm của chúng ta với tha nhân. Thiên Chúa như một ông chủ đi phương xa trao cho chúng ta quản lý cuộc đời nhưng không phải theo ý mình mà là theo ý Thiên Chúa. Thiên Chúa còn trao ban cho chúng ta quản lý ngôi nhà vũ trụ để làm sao cho mọi người trong ngôi nhà này đều có quyền hưởng an bình thịnh vượng. Vì thế, chúng ta không có quyền vì sự tư lợi và quyền lợi của mình mà dùng quyền để chiếm đoạt tài sản của người khác. Chúng ta không có quyền vì hạnh phúc bản thân mình mà hành động thiếu công bằng bác ái với tha nhân. Chúng ta càng không có quyền sống lỗi công bình, bác ái chỉ vỉ thói tham lam giả hình của mình. Chúa sẽ đòi lại công bình. Chúa sẽ đến để lập lại trật tự đã bị đảo lộn bởi tội lỗi, để hàn gắn lại những đổ vỡ do tội lỗi gây ra. Chúa bảo chúng ta đừng mê ngủ trong đam mê lầm lạc, trong ảo ảnh của trần gian. Cuộc sống này rồi cũng qua đi. Những của cải chúng ta chiếm được bằng sự phi nhân thất đức rồi cũng “của thiên trả địa”, khi mà chúng ta nhắm mắt xuôi tay. Hãy tỉnh thức để sống đúng với phẩm giá con người là “nhân chi sơ tính bản thiện”, đừng sống gian ác, đừng buông mình theo thói đời tội lỗi, đừng thả trôi theo đam mê xác. Hãy tỉnh thức để sống theo luân thường đạo lý, theo đường ngay chính của chân, thiện, mỹ. Hãy tỉnh thức để chúng ta luôn hành động như con cái sự sáng để nhờ đó, giờ Chúa đến chúng ta tràn ngập hân hoan vì luôn trung thành sống cho Chúa.

Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn tỉnh thức trong từng giờ từng phút. Tỉnh thức để chúng ta sống nghiêm túc trong lời nói, việc làm của mình luôn đi theo lề luật của Chúa, hầu xứng đáng là người quản lý trung thành và tận tuỵ của Chúa. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

TỈNH THỨC ĐỂ TỰ CỨU MÌNH.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Tai nạn giao thông ngày càng gia tăng khốc liệt, cướp đi sinh mạng của trên chục ngàn người và gây ra thương tật, tai hoạ cho hàng chục ngàn người khác mỗi năm tại Việt Nam. Nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông là người lái xe không tỉnh táo. Phải lái xe suốt đêm trường trên những con đường dài thăm thẳm khiến người lái thiếp đi lúc nào không hay. Một số khác mất tỉnh táo vì men rượu, nên không thể chủ động và phản ứng kịp thời khi tình huống xấu bất chợt xảy ra. Thế là tai hoạ và chết chóc chụp xuống trên đầu nhiều người thật khủng khiếp.

Khi tài xế ngủ gật, say rượu bia mà lái xe thì nguy cơ gây nên cái chết cho mình và cho người liên hệ hầu như chắc chắn. Chính vì sự thiếu tỉnh thức dễ đưa đến những hậu quả nghiêm trọng khôn lường nên Chúa Giê-su đã nhiều lần kêu gọi mọi người đừng mê muội đắm đuối, nhưng hãy luôn luôn tỉnh thức.

Hãy tỉnh thức như người tôi tớ chong đèn đợi chủ đi ăn cưới mãi đến hai hoặc ba giờ sáng mới về (Luca 12, 35-48); hãy tỉnh thức như người chủ nhà canh phòng kẻ trộm đột nhập giữa đêm khuya (Mt 24, 42-44); hãy tỉnh thức như người quản lý được người chủ đi xa giao trọng trách quán xuyến việc nhà mà không biết giờ nào chủ trở lại kiểm tra công việc đã được giao phó (Mc 13, 33-37. Lc 12, 42- 46…

Trong các trường hợp được nêu trên đây, ai tỉnh thức sẽ nhận được phần thưởng lớn lao và ai mê ngủ sẽ phải gánh lấy hậu quả tai hại.
***
Không tỉnh thức sẽ gây ra nhiều tai họa.
Mỗi người chúng ta là những người tài xế điều khiển chiếc xe cuộc đời của mình, có trách nhiệm với vận mệnh đời đời của mình cũng như những người liên hệ.
- Nếu những nhà lãnh đạo cao cấp của đất nước không tỉnh thức, chắc chắn sẽ gây ra hậu quả khôn lường cho đất nước, cho dân tộc và cho thế giới.
- Nếu những nhà lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo không tỉnh thức thì cũng sẽ dẫn đưa hàng triệu tín đồ của mình lao vào con đường lầm lạc.
- Vị chủ chăn trong giáo xứ hay bậc phụ huynh trong các gia đình cũng đều là những "tài xế" điều khiển những chiếc xe Chúa trao cho mình quản lý, nếu không tỉnh táo, không sáng suốt thì sẽ gây phương hại cho mình cũng như cho nhiều người khác.

Không để cho mình mất tỉnh táo.
Người lái xe đường dài ban đêm không bao giờ dùng bia, rượu, những chất gây ngủ hoặc bất kỳ loại thức ăn nước uống nào làm cho đầu óc mất tỉnh táo.

Là tài xế cầm lái chiếc xe đời mình, chúng ta quyết không để cho men say của lạc thú, bóng tối của dục vọng, những cơn lốc của đam mê… làm mờ tối lương tri, làm thui chột con mắt linh hồn, làm mê muội tâm trí, khiến chúng ta không còn tỉnh táo để lèo lái đời mình theo đường lối Chúa Giê-su.

Cần Lời Chúa để tỉnh thức.
Người chạy xe đêm đường dài cần đến cà phê, thuốc lá, nước tăng lực, khăn lạnh… để làm cho đầu óc luôn tỉnh táo hầu tránh được tai nạn giao thông, khỏi làm thiệt hại mạng sống mình cũng như những người liên hệ; thì chúng ta, những người đang lèo lái đời mình qua nhiều khúc quanh của cuộc sống, xuyên qua bóng đêm cuộc đời, cũng luôn cần Lời Chúa để lay tỉnh chúng ta khỏi ngủ mê.
- Khi chúng ta chìm đắm trong lạc thú trần gian, Lời Chúa sẽ kéo chúng ta ra khỏi vũng lầy mê đắm.
- Khi chúng ta ngụp lặn trong đam mê tội lỗi, Lời Chúa như tấm phao kỳ diệu cứu ta khỏi đắm chìm.
- Khi chúng ta bị lôi kéo, đẩy xô bởi nhiều lớp sóng tham lam, ích kỷ, hận thù… Lời Chúa sẽ giải cứu chúng ta thoát nạn.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần đem Lời quyền năng của Chúa Giê-su soi sáng và lay tỉnh chúng con khỏi mê muội, sai lầm. Amen

Lm. Inhaxiô Trần Ngà


ÐỢI CHỜ TRONG HI VỌNG
Lm Trần Bình Trọng


Hằng năm, mỗi khi mùa Vọng đến, thường cho loài người cảm giác mong mỏi, đợi chờ. Bốn tuần lễ mùa vọng tượng trưng cho thời gian lâu dài mà dân Chúa trong Cựu ước mong đợi Ðấng Cứu thế. Vì thế mà Thánh kinh Cựu ước được gọi là câu chuyện đợi chờ.

Bài trích sách ngôn sứ Isaia hôm nay ghi nhận tội lỗi của dân Chúa: tội bất trung và quên lãng ơn Chúa. Do đó vị ngôn sứ khẩn cầu Chúa thương xót mà ngự đến để giải thoát dân chúng khỏi cảnh lầm than và đưa dẫn họ về đường trung nghĩa: Vì tình thương đối với tôi tớ, là các chi tộc thuộc gia nghiệp của Ngài, xin Ngài mau trở lại (Is 63:17). Bằng lời cầu khẩn cho dân chúng, ngôn sứ Isaia khơi dậy nơi họ niềm hi vọng. Và dân chúng cũng nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của họ bằng niềm hi vọng đó. Trong khi họ mong đợi Chúa đến, họ cũng được nhắc nhở rằng Chúa cũng trông đợi họ bỏ đường tội lỗi để trở về với Chúa. Qua những bức thư gửi tín hữu Corintô, thánh Phaolô cho thấy giáo dân Corintô đang trải qua cơn khủng hoảng trong cộng đoàn. Cộng đoàn tín hữu Corintô thời đó bị phân tán bởi phe nhóm và sống trong cảnh vô trật tự sau khi thánh Phaolô rời cộng đoàn đi truyền giáo nơi khác. Vì thế thánh nhân khuyên họ sống trung thành cho đến cùng và đặt niềm hi vọng đợi chờ ngày Chúa đến lần thứ hai (1Cr 1:8). Còn giáo dân La mã thời bấy giờ thì đang trải qua cuộc bắt đạo. Thánh sử Marcô bảo họ phải tỉnh thức.

Phải chăng người tín hữu đời nay cũng đang gặp cảnh khó khăn thử thách về đời sống vật chất, tinh thần và thiêng liêng? Phải chăng có những người cảm thấy ưu tư khi thấy những giá trị luân thường đạo lí đã bị đảo lộn? Có những người cảm thấy mất mát khi thấy gia đình đổ vỡ, những liên hệ giữa ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, cháu chắt đã trở nên lỏng lẻo, xa cách, nếu không nói là đã bị cắt đứt? Còn những ngưòi khác có thể cảm thấy lo âu khi thấy việc thực hành đức tin của con cháu đã trở nên bê trễ ?

Riêng đối với khối người di cư ra ngoại quốc, có những người có thể cảm thấy nhớ cảnh thân mật duới mái gia đình và cảnh quen thuộc của khu xóm, làng mạc, phố chợ khi xưa? Có những người cảm thấy luyến tiếc khi thấy con cháu không còn nhớ đến tổ tiên, họ hàng và không còn biết nói tiếng mẹ? Những người khác cảm thấy thua thiệt khi thấy khả năng ngôn ngữ của mình bị giới hạn? Có những người cảm thấy tủi hổ khi thấy mình già cả, bị con cháu cho qua mặt, không còn được coi là thích hợp và hữu dụng?

Thêm vào đó, người ta còn có thể gặp đau khổ, bệnh tật về thể xác hay tinh thần khiến nên đặt những câu hỏi tại sao. Tại sao Chúa gửi bệnh tật, đau khổ đến với ta? Tại sao Chúa gửi thánh giá, tai hoạ đến cho gia đình ta? Bệnh tật và sự chết là nhiệm mầu. Ta không hiểu được tại sao bệnh tật và sự chết đến với mỗi cá nhân vào thời điểm này?

Ðứng trước những cảnh khó khăn trắc trở, ngôn sứ Isaia nhắc nhở cho dân Do thái đặt niềm hi vọng vào Ðấng Cứu thế sẽ đến. Thánh Phaolô khuyên giáo dân Corintô phải trung thành đến cùng. Còn thánh sử Mác-cô nhắc đi nhắc lại cho giáo dân La mã đến bốn lần phải canh thức đợi chờ chủ đến (Mc 13:33, 35, 36, 37) vào lúc chập tối, lúc nửa đêm, lúc gà gáy, hay lúc tảng sáng. Tỉnh thức hay canh thức không phải là trạng thái tĩnh, ngồi chờ cách thụ động, nhưng là tư thế sẵn sàng chờ việc kế tiếp. Như vậy theo lời ngôn sứ Isaia, lời thánh Phaolô và lời thánh sử Mác-cô, ta phải cố gắng vươn lên để vượt thắng trở ngại, vượt lên trên hoàn cảnh thay vì để cho hoàn cảnh và trở ngại đè bẹp.

Mỗi người phải đặt cho mình một mối hi vọng nào đó: hi vọng con cái thành đạt, hi vọng có việc làm, hi vọng đời sống kinh tế gia đình sẽ được cải tiến, hi vọng đời sống đạo hạnh được phát triển, hi vọng mối liên hệ gia đình sẽ được phát triển, hi vọng ngày mai trời lại sáng. Còn hi vọng là còn cầu nguyện. Khi tuyệt vọng, người ta sẽ thôi cầu nguyện. Ðồi với người Do thái, thì Giavê là niềm hi vọng của họ. Ðộng lực khiến họ đặt hi vọng vào Ðức Giavê là những việc lạ lùng Người đã làm cho họ trong quá khứ. Ðối với người Kitô giáo, thì Chúa Cứu thế phải là nguồn hi vọng và là lẽ sống của mỗi người.

Mùa Vọng mà Giáo hội bắt đầu hôm nay là mùa hi vọng. Giáo hội dùng phụng vụ lời Chúa để khơi dậy trong ta lòng mong mỏi đợi chờ Chúa đến. Việc Chúa đến lần thứ nhất trong lịch sử loài người đã được thực hiện khi Chúa Cứu thế sinh tại Bêlem. Việc Chúa đến lần thứ hai cũng đã được thực hiện và còn tiếp tục được thực hiện khi Chúa đến bằng ơn thánh trong mỗi bí tích ta lãnh nhận, trong lời cầu nguyện và việc hi sinh bác ái ta làm. Việc Chúa đến lần thứ ba sẽ xẩy ra khi Chúa sai thiên thần đến gọi ta ra khỏi đời này. Việc Chúa đến lần bốn và là lần sau hết khi Chúa đến vào ngày sau hết để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Nếu ta tỉnh thức đợi chờ, thì Chúa đến vào giai đoạn nào đi nữa trong ba giai đoạn cuối, thì việc đợi chờ của ta sẽ là đợi chờ trong hi vọng. Còn nếu không tỉnh thức, thì việc đợi chờ sẽ trở thành đợi chờ trong lo âu, sợ hãi.


Lời cầu nguyện: xin cho được biết đợi chờ trong hi vọng:


Lạy Chúa, Chúa là nguồn hi vọng của người tín hữu.
Xin dạy con giữ vững niềm hi vọng vào việc Chúa đến,
để giải thoát con khỏi cảnh lầm than, sầu khổ và tội lỗi.
Xin cho con biết tỉnh thức đợi chờ trong hi vọng.
Xin đừng để con bao giờ ngã lòng trông cậy Chúa.
Và xin Chúa là niềm hi vọng và là lẽ sống của đời con. Amen.

Lm Trần Bình Trọng


PHẢI TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG

JKN

Câu hỏi gợi ý:
1. Nếu biết trong tuần tới kẻ trộm sẽ đến nhà bạn, không biết vào lúc nào, ngày hay đêm, bạn có làm gì khác lạ hơn bình thường không? Tại sao?
2. Tỉnh thức nghĩa là là gì? Cho một vài thí dụ khác nhau về tỉnh thức.
3. Để tỉnh thức theo tinh thần bài Tin Mừng hôm nay, một cách cụ thể thì phải làm những gì?

Suy tư gợi ý:
1. Nếu tôi biết tuần này kẻ trộm sẽ đến nhà tôi, thì ...
Chúng ta thử xét một cách thật nghiêm túc xem: phản ứng, tư tưởng và thái độ của ta sẽ thế nào khi được báo tin chắc chắn một bọn trộm cướp đã dự định đến “thăm” nhà ta tuần này. Được tin ấy, thử hỏi ban đêm ta còn ngủ yên như mọi khi không? Nếu ta đoán kẻ trộm cũng có thể đến cả vào ban ngày nữa, thì ta có đề phòng cả ban ngày không? Ta có dám bỏ nhà đi đâu xa những ngày này, và giao phó nhà cửa cho đám con cái còn bé nhỏ chưa kinh nghiệm không? - Nếu đoán biết kẻ trộm sẽ đến, chắc chắn ta sẽ gia tăng đề phòng, không để cho chúng lấy đi của ta bất kỳ đồ vật gì. Muốn đề phòng hữu hiệu, ta phải canh thức liên tục, không ngừng nghỉ. Ngừng đề phòng lúc nào là kẻ trộm có thể đến lúc ấy, nhất là vào những lúc chúng biết ta mệt mỏi, lơ là. Nếu đề phòng liên tục, chắc chắn kẻ trộm sẽ thất bại.

Chỉ vì sợ mất của cải vật chất chóng qua mà ta lo canh phòng như vậy, lẽ nào mạng sống tâm linh của ta, của cải tâm linh của ta là cái quí hơn hàng trăm ngàn lần, ta lại không lo lắng canh giữ?

2. Cách sống hiện tại quyết định số phận vĩnh cửu
Số phận vĩnh cửu của ta tùy thuộc cách sống hiện tại của ta. Cuộc sống hiện tại trong thời gian là mầm cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Mầm tốt sẽ trở thành cây tốt, mầm xấu sẽ trở thành cây xấu. Cuộc sống vĩnh cửu đã bắt đầu ngay trong cuộc sống hiện tại, và định hình vĩnh viễn ngay khi ta chấm dứt cuộc sống này, nghĩa là ngay khi ta chết. Nhưng ta chết lúc nào? Không ai biết được! Những người chết trong hai tòa nhà cao tầng ở New York ngày 11-9-2001, hay trong tòa nhà 6 tầng các Trung Tâm Thương Mại tại Sàigòn ngày 29-10-2002 không ai ngờ được trước khi vào đó rằng hôm ấy là ngày tận số cuộc đời mình. Không ngờ được vì thấy rằng còn gì bảo đảm an toàn hơn khi ở trong những tòa nhà kiên cố ấy? Thế mới biết tai họa hay cái chết có thể đến bất kỳ lúc nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ở bất kỳ nơi nào. Đối với cái chết, chẳng lúc nào, chẳng nơi nào, chẳng tình trạng sức khỏe nào là an toàn cả! Thật đúng như thánh Phao-lô nói: “Khi người ta nói: "Bình an biết bao, yên ổn biết bao!" thì lúc ấy tai họa sẽ thình lình ập xuống” (1Tx 5,3). Cái chết đến quả thật như kẻ trộm! không thể biết trước hay đoán trước được lúc nào, cách nào, và thế nào! Tuy nhiên, chết lúc nào, cách nào không phải là chuyện quan trọng. Vấn đề hết sức quan trọng chính là: số phận đời sau của mình thế nào?

Số phận của chúng ta đời sau chính là kết quả của cách sống đời này. Nếu đời này chúng ta sống vị tha, yêu thương mọi người đúng theo bản chất của mình là “hình ảnh của Thiên Chúa” cũng là “con cái Thiên Chúa”, thì đời sau chúng ta sẽ được sống trong một môi trường đầy yêu thương, được gần gũi với chính Thiên Chúa của Tình Thương. Trái lại, nếu đời này ta sống ích kỷ, ít tình thương, không tình nghĩa, thường lãnh đạm, nhạt nhẽo, ganh ghét, hận thù… với tha nhân, thì đời sau chúng ta sẽ phải sống trong một môi trường không có tình thương, đầy hận thù và xa cách Thiên Chúa. Điều đó xảy ra không khác gì một quy luật, luật nhân quả: “Cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu” (Mt 7,17). Tương tự như một người luôn yêu thương và vui vẻ với mọi người, dễ dàng hy sinh, sẵn sàng chịu thiệt thòi cho người khác, thì tự nhiên người ấy tạo ra chung quanh mình một bầu khí vui tươi, thoải mái, yêu thương, và những ai ở gần người ấy đều tự nhiên cảm thấy hạnh phúc và quí mến người ấy. Trái lại, một người ích kỷ chỉ nghĩ tới mình, chẳng biết yêu thương hay hy sinh cho ai, chỉ mong người khác hy sinh, chịu thiệt cho mình, tự nhiên người ấy sẽ tạo ra chung quanh mình một bầu khí ảm đạm, căng thẳng, buồn tẻ, và chẳng mấy ai cảm thấy hứng thú gì khi ở với người ấy.

3. Ngày của Chúa
Đối với mỗi cá nhân, Ngày của Chúa - hay ngày Chúa đến - chính là ngày ta chấm dứt cuộc đời trần thế để đến trình diện trước mặt Chúa hầu được quyết định về số phận vĩnh cửu của mình. Đối với toàn thế giới, Ngày của Chúa chính là ngày tận thế, ngày mà tất cả mọi người đã từng sống trên trần gian đều phải trình diện trước mặt Chúa. Ngài sẽ phán xét Giáo Hội cũng như tất cả mọi thể chế trần gian, mọi tôn giáo, mọi chủ nghĩa, mọi ý thức hệ, mọi nền văn hóa, mọi chế độ, mọi quốc gia, mọi tầng lớp, mọi giai cấp, mọi tập thể... Lúc đó mọi dân mọi nước, mọi tôn giáo, mọi nền văn hóa sẽ biết rõ ràng và dứt khoát đâu là đúng đâu là sai. Lúc đó, tất cả mọi bí mật trên thế giới trong tất cả mọi lãnh vực đều được tỏ lộ, phanh phui cho tất cả mọi người thấy, không một che dấu nào mà không bị hiển lộ... Trước mọi sự được tỏ bày, ai nấy đều tự mình biết mình là công chính hay tội lỗi, và công chính hay tội lỗi ở mức độ nào. Mọi người sẽ tâm phục khẩu phục khi thấy số phận của mình, của mọi người và từng người được ấn định một cách hết sức công bằng, hợp lý và quang minh.
Ngày ấy sẽ là ngày vui mừng, vinh quang cho những người thật sự công chính, vì họ sẽ được giải oan, được mọi người nhìn nhận sự trong sạch, ngay thẳng, và tất cả những gì tốt đẹp của mình, đồng thời được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Nhưng ngày ấy sẽ là ngày u buồn, nhục nhã, xấu hổ cho những người giả công chính, giả đạo đức, những kẻ gian ác, vì mọi giả dối, xấu xa, gian ác của họ, dù được giấu diếm kỹ càng đến đâu cũng đều bị lột trần, phanh phui trước mọi người, và số phận của họ sẽ là đau khổ muôn đời.

4. Thái độ tỉnh thức và sẵn sàng
Ngày của Chúa đến như kẻ trộm, không ai biết trước được, và là ngày qui định dứt khoát số phận đời đời của ta. Vì thế, thái độ khôn ngoan nhất của ta là luôn luôn tỉnh thức, lúc nào cũng ở trong tư thế sẵn sàng, để ngày ấy dù có bất ngờ tới đâu, cũng là ngày đem lại vinh quang và hạnh phúc vĩnh cửu cho ta. Như vậy, thái độ tỉnh thức là thái độ nào?

Tỉnh thức trái với ngủ quên, trái với tình trạng mê mải, bị thu hút bởi một sự việc gì, khiến ta quên mất điều ta phải nhớ, phải canh chừng. Một minh họa cụ thể: Nhiều khi người nhà tôi bận việc, yêu cầu tôi canh chừng ấm nước sôi. Tôi nhận lời với tất cả ý thức. Nhưng chờ lâu quá, để tiết kiệm thì giờ, tôi lại tiếp tục viết bài. Tới lúc chợt nhớ tới ấm nước thì đã quá muộn, ấm đã cạn sạch nước. Chậm một chút nữa là ấm sẽ bị cháy! Công việc đã thu hút tôi đến mức làm tôi quên canh chừng!

Tỉnh thức theo nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay là luôn luôn ý thức được mục đích cuộc đời mình là sống xứng với phẩm giá cao cả của mình là hình ảnh và là con cái Thiên Chúa, nhờ đó đạt hạnh phúc vĩnh cửu. Điều đó đòi hỏi tôi phải sống phù hợp với tinh thần Tin Mừng là tinh thần yêu thương, cụ thể nhất là yêu thương những người gần mình nhất. Điều tôi cần quan tâm không chỉ là tránh gây nên những bất lợi cho tha nhân, mà còn là làm những gì họ cần tôi làm cho họ. Trong đoạn Tin Mừng về ngày phán xét cuối cùng (Mt 25,31-46), ta thấy Thiên Chúa đặc biệt phán xét về những thiếu sót, những điều mà ta không làm cho tha nhân khi họ cần ta làm. Ta thường tưởng rằng mình không làm điều gì bất lợi cho tha nhân thì có nghĩa là mình vô tội, mình công chính. Nhưng thực ra khi mình không làm những việc mình phải làm hoặc có thể làm cho tha nhân, thì mình đã trở thành kẻ có tội và đáng bị kết án rồi. Cụ thể như khi đứng trước một bất công, giả như tôi lên tiếng thì bất công ấy đã không xảy ra, hoặc sự công bằng đã được trả lại cho người bị bất công, nhưng tôi đã không lên tiếng chỉ vì một sợ hãi mơ hồ nào đó. Điều đó chứng tỏ rằng tôi không có đủ tình thương. Chính những tội về thiếu sót ấy làm tôi không xứng đáng với hạnh phúc vĩnh cửu.

Chúng ta có thể trở nên “mê ngủ”, mất tỉnh thức khi ta bị thu hút bởi danh, lợi, quyền, thú vui trần tục. Nhiều người mê mải tìm kiếm tiền bạc, quyền lực... đến nỗi chẳng những quên đi bổn phận mình phải làm cho tha nhân (đói cho ăn, khát cho uống, lên tiếng trước bất công...), mà còn sẵn sàng làm những điều bất lợi cho tha nhân nữa (vu khống, gây bất công, thù oán, giết người...) Bất kỳ điều gì có thể làm chúng ta say mê trong cuộc đời, thậm chí là những điều tốt (công việc, chuyện làm ăn, sở thích...), cũng có thể làm ta mất tỉnh thức. Ngay cả việc thờ phượng Chúa (dâng lễ, đọc kinh, cầu nguyện...) cũng có thể ru ngủ ta, làm ta quên cả bổn phận mình phải làm cho tha nhân. Thờ phượng Chúa kiểu này chắc chắn không phải là kiểu đẹp lòng Thiên Chúa, Ngài rất nhờm tởm kiểu thờ phượng này (x. Is 1,11-19). Đáng lẽ việc thờ phượng Thiên Chúa đích thực phải giúp ta ý thức đến bổn phận của ta đối với tha nhân một cách hữu hiệu. Vậy, một cách cụ thể, tỉnh thức chính là luôn luôn ý thức, quan tâm làm những việc mình phải làm hoặc có thể làm cho tha nhân.

Cầu nguyện
Lạy Cha, thì ra có rất nhiều điều có thể làm con mê ngủ, không tỉnh thức. Điều làm con rất ngạc nhiên là ngay cả những đam mê tốt lành như đam mê đi lễ, đam mê cầu nguyện, đam mê làm tông đồ, đam mê làm ăn... có thể làm con quên đi bổn phận mà con phải làm đối với những người chung quanh con: cha mẹ, anh chị em, vợ con, bạn bè, hàng xóm... Con có bổn phận rất quan trọng là phải làm cho họ nên tốt lành và được hạnh phúc. Xin Cha đừng để những đam mê tốt lành ấy làm con mất tỉnh thức.
JKN


NGÀY TẬN THẾ 21/12/2012?

Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức,
vì anh em không biết khi nào thời ấy đến. (Mc 13, 33-37)

Bước vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta ngày tận thế, cũng như ngày tận cùng cuộc đời mong manh của mỗi người. Ngài kêu gọi phải luôn cảnh giác coi chừng, luôn sẵn sàng canh thức, cũng như luôn chuẩn bị sẫn sàng đón nhận ngày ấy.

Trong suốt năm nay 2011, thiên hạ cũng biết bao lần kháo nhau về ngày tận thế sắp gần kề. Ngay từ năm 2009, đạo diễn Roland Emmerich đã thực hiện cuốn phim”Nostradamus: 2012”, mô phỏng những lời đồn đoán lâu nay về ngày định mệnh 21/12/2012, khi cả thế giới bị nhấn chìm bởi sóng thần, núi lửa phun trào, động đất dữ dội và mưa thiên thạch.

Dựa trên lịch của người Maya, một dân tộc đã từng làm nên một nền văn minh rực rỡ ở Trung Mỹ thời cổ đại, thì ngày 21/12/2012 sẽ là ngày kết thúc chu trình lịch thứ 13, kỷ thứ IV - đó là ngày tận thế để sau đó thế giới sẽ mở ra một chương mới.

Thế nhưng những nhà nghiên cứu nền văn hoá cổ của Mehicô – con cháu của dân tộc Maya - tại trường Đại học quốc gia Mexico lại hoàn toàn phủ nhận những lời đồn bi quan vô căn cứ này. Đại diện của trường Đại học Carmen Valdes, sau khi phân tích một cách toàn diện các văn bản chữ tượng hình mà nền văn minh cổ để lại, đã khẳng định: "Trong những di cảo mà dân tộc Maya để lại, không có lời nào tiên đoán về ngày tận thế vào năm 2012”

Vào hồi đầu tháng 8/2011, hạn hán đã khiến cho hồ OC Fisher ở công viên quốc gia San Angelo, bang Texas (Mỹ) gần như cạn nước. Trên mặt nước tù đọng còn lại chứa đầy cá chết và nước chuyển sang màu đỏ.

Những bức ảnh về hồ nước bỗng chuyển sang màu đỏ, đã được lan truyền nhanh chóng trên các diễn đàn về thủy sản trên mạng, và nhận định của Paul Begley, một nhà truyền giáo tại Indiiana đã khiến nhiều người hoang mang. Trong đoạn clip phát trên Youtube, nhà truyền giáo này cho rằng hiện tượng kỳ lạ trên có thể là dấu hiệu của ngày tận thế được nhắc tới trong sách Khải Huyền.

Tại Việt Nam, vào thượng tuần tháng 6, 2011, nhiều vùng nông thôn các tỉnh ĐBSCL, nhiều nhất là Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang, bỗng rộ lên tin đồn “ngày tận thế ở ĐBSCL”.

Theo đó, vào năm 2012, một cơn “đại hồng thủy” sẽ nhấn chìm các vùng đất thấp trên thế giới, trong đó có ĐBSCL. Không chỉ đồn, những người nhẹ dạ cả tin còn phát tán tờ rơi, gây hoang mang nhiều vùng nông thôn.

Dư luận đồn rằng, có một nhà “tiên tri” đã đoán ngày tận thế ở ĐBSCL nhằm ngày 21.12.2012. Khi ấy, cùng chịu chung số phận với các vùng đất thấp trên địa cầu, ĐBSCL sẽ bị cơn đại hồng thủy “địa cầu Mặt trời” nhấn chìm, cùng lúc trận đại chiến thế giới lần thứ ba sẽ xảy ra.(1)…

Nếu xét theo mặt tích cực, thì những điều đó đều là những dấu chỉ thời đại đánh thức chúng ta hồi tâm phản tỉnh, chứ không phải hoang mang lo sợ, nhắm mắt nghe theo những tiên tri giả, như Chúa Giêsu đã cảnh báo.
Thật vậy, sẽ có những ki tô giả và ngôn sứ giả xuất hiện làm những dấu lạ và những việc phi thường, để lừa gạt những người đã được tuyển chọn, nếu có thể. (Mc 13, 22).
Còn về ngày hay giờ đó (tận thế), thì không ai biết được, ngay các thiên sứ trên trời, hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi. (Mc 13, 32)

Như thề ngày tận thế vừa bí mật tuyệt đôi, vừa bất ngờ vô cùng, chẳng ai biết được, cũng như cái chết của mỗi người. Vì thế Chúa Giêsu mới kêu gọi chúng ta tỉnh thức, đừng dửng dưng ỷ lại rằng đời còn dài, cứ lo lắng vun quén vật chất, địa vị, hưởng lạc, mà quên đi tu thân tích đức cho cuộc sống đời sau. Cần tỉnh táo nhận biết, có thể bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể được Chúa gọi về. Đó có thể chưa phải là ngày tận thế, mà là ngày tận mạng của chúng ta.
Do đó Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận mới nhấn mạnh sống phút giây hiện tại ra sao cho mỹ mãn, tràn trề hy vọng, hữu ích cho phần rổi, tựa như là sắp sửa theo tiếng Chúa gọi về:

Mỗi khoảnh khắc của cuộc sống chúng ta hãy là:
khoảnh khắc đầu tiên
khoảnh khắc cuối cùng
khoảnh khắc duy nhất. (2)

Luôn coi chừng, đừng để cho cỏ lùng lấn át hết hạt giống Lời Chúa, đừng để của phù vân lấn át, che khuất kho báu vĩnh cửu, đừng để những lo toan vật chất lẫn tinh thần lấn át lo lắng phần rỗi linh hồn. Cũng như chẳng phải cứ theo đạo là đủ, mà cần sống đạo, thực thi Lời Chúa, áp dụng cụ thể vào cuộc sống thường nhật, để luôn nhìn thấy Chúa trong từng người nhỏ mọn, khốn khó, đói khát, rách rưới, bệnh tật, cơ nhỡ, tù đày…

Luôn canh thức, đón chờ Chúa gọi bất cứ lúc nào, thì không thể bỏ bê mối giao hảo mật thiết với Chúa, qua bí tích Hòa Giải. Cũng như không thể sao nhãng của ăn đi đường quan trọng và cần thiết, phép Thánh Thể nhiệm mầu.

Lạy Chúa, chúng con chẳng biết khi nào được Chúa gọi về. Xin giúp chúng con luôn biết coi chừng, tránh xa những cám dỗ, cũng như luôn canh thức dọn mình, để có thể sẵn sàng xứng đáng đón rước Chúa. Amen.

AM. Trần Bình An
(2) ĐHY  Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Chứng Nhân Hy Vọng
Tuần Tĩnh Tâm đầu Mùa Chay Năm Thánh 2000

ĐỪNG VÔ CẢM
Phó tế Thomas Nguyễn Văn Hiệp

Hôm nay phụng vụ Giáo Hội bước vào một niên kì mới, được bắt đầu với chúa nhật I mùa vọng. Chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa của danh từ “mùa vọng”.
Mùa vọng” gọi là danh từ thuần Hán cũng được mà gọi là danh từ thuần Việt (Nôm) cũng chẳng sai. Bởi chữ “mùa” () vừa là âm Hán cổ (âm Hán Việt là “vụ”), cũng vừa là âm Nôm (mượn lại âm Hán cổ); còn chữ “vọng” () là chữ thuần Hán, có nghĩa là: hướng về, trông ngóng, chờ đợi, mong mỏi … .

Mùa vọng” được dịch từ tiếng Latinh là Adventus, có nghĩa là: đến, hay hiện diện. Theo truyền thống Giáo Hội, Mùa vọng có bốn ý nghĩa sau:
1/ Mùa Vọng mời gọi nhớ lại thời gian dân Do Thái mong đợi Đấng Messia (Chúa Kitô) đến để giải phóng dân Israel khỏi ách tội lỗi. Ngài "đã đến" lần thứ nhất cách đây hơn 2000 năm. Ngài đã giải phóng họ khỏi ách tội lỗi bằng giáo lý và cái chết của Ngài.
2/ Mùa Vọng còn có ý nghĩa chuẩn bị đón Chúa Kitô"sẽ đến"lần thứ hai vào ngày tận thế. Không ai biết được ngày giờ nào.
3/Ngày nay, Mùa Vọng để dọn lòng mừng kỉ niệm lễ Chúa Giáng sinh vào ngày 25.12
4/ Mỗi người cần "tỉnh thức, sẵn sàng" đón Chúa đến vào ngày tận thế đời mình (giờ chết), để Chúa đưa ta về Nước Chúa muôn đời.

Cả ba bài đọc phụng vụ chúa nhật hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy sống tỉnh thức, đừng vô cảm
Bài đọc 1, tiên tri Isaia nói lên thực trạng của dân chúng: Tất cả chúng con đã trở nên như người nhiễm uế, mọi việc lành của chúng con khác nào chiếc áo dơ. Tất cả chúng con héo tàn như lá úa, và tội ác chúng con đã phạm, tựa cơn gió, cuốn chúng con đi.”
Bài đọc 2, trong thư 1Cr, thánh Phao lô xác tín: Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta”.
Bài Tin mừng, Chúa Giêsu gởi đến mỗi người chúng ta một thông điệp: Hãy canh thức!”. Canh thức như người đầy tớ chu toàn bổn phận và chờ đợi chủ trở về.

Quả thật thời gian gần đây các trang mạng đều đề cập đến một căn bệnh của thời đại, đó là bệnh vô cảm. Trung tuần tháng 10 truyền thông Trung Quốc lên án sự vô cảm của 18 con người dửng dưng trước sự quằn quại trên vũng máu của bé Yueyue bị 2 chiếc xe tải cán qua. Vào ngày 3.11, chàng thanh niên có nick name là “kẹo mút chơi bời” đã khoe “chiến tích” tông xe làm chết người của mình với những từ ngữ đùa cợt phản cảm mang “máu lạnh” trên facebook, đã làm dấy lên làn sóng giận dữ kết án của dân cư mạng. Và mới đây, hôm 23.11, dân cư mạng lại xôn xao bàn tán về câu chuyện mang màu sắc liêu trai “cô gái lái xe buýt bị hãm hiếp” trước sự bàng quan của hầu hết những người khách trên xe, duy chỉ có một người lên tiếng chống đối hành vi của ba con yêu xanh…


Trong bài viết “Giới Trẻ Trước Căn Bệnh Vô Cảm” của Tu Sĩ Lôrensô Vũ Văn Trình MF. đăng trên gpphanthiet.com có nêu ra nhiều nguyên nhân của căn bệnh vô cảm này. Tuy nhiên, dưới ánh sáng của Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy nguyên nhân chính của căn bệnh vô cảm là do thiếu nền tảng đức tin vào Thiên Chúa Tình Yêu.

Vì không tin vào Thiên Chúa Tình Yêu và sống theo thánh ý Ngài mà con người, gia đình, trường học, xã hội chỉ chạy theo tiêu chuẩn hoàn toàn nhân loại: theo số lượng, thành tích, giàu sang, tiền của, địa vị, sự thụ hưởng, … mà quên đi bổn phận cao cả của chúng ta là sống yêu thương đến hiến mạng như Chúa Giêsu. Thời Chúa Giêsu dân chúng cũng vô cảm trước sự thật, chân lý là chính Chúa, đã kết án Ngài bởi sống theo quan điểm và ý thích của họ.

Là người Kitô hữu, nếu chúng ta cứ để những lắng lo nhất thời của cuộc sống chi phối chúng ta, dần dần trái tim yêu thương theo giáo lý của Chúa Giêsu nơi chúng ta ra chai đá, chúng ta không còn nhạy cảm trước nỗi đau của tha nhân, chúng ta cũng nhiễm căn bệnh của xã hội, căn bệnh vô cảm. chúng ta không còn khả năng thốt lên như tiên tri Isaia trong bài đọc 1: Lạy ĐỨC CHÚA, tại sao Ngài lại để chúng con lạc xa đường lối Ngài ? Tại sao Ngài làm cho lòng chúng con ra chai đá, chẳng còn biết kính sợ Ngài ?

Nhân đức là thói quen tốt chúng ta luyện tập được. Người ta bảo nửa cuộc đời sau của con người thường sống theo thói quen của nửa cuộc đời trước chúng ta có được. Nếu chúng ta chưa có thói quen yêu thương, chưa có nhân đức quan tâm đến hạnh phúc của tha nhân thì chúng ta đang mắc căn bệnh vô cảm.

Tin mừng hôm nay chúa Giêsu mời gọi: Hãy canh thức ! Canh thức chu toàn bổn phận sống yêu thương như Chúa. Để canh thức trước hết chúng ta phải tỉnh thức hướng về Thiên Chúa.

Thật trùng hợp, trong ngày thứ năm tuần thứ tư của tháng 11 năm nay là ngày 24.11, kính trọng thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và cũng là ngày nước Mỹ mừng Thanksgiving Day (ngày Tạ Ơn). Lễ kính trọng thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Giáo Hội mời gọi mọi kitô hữu, cách riêng kitô hữu Việt Nam noi gương các bậc cha anh hướng lên Thiên Chúa sống chứng tá Tin Mừng tình yêu. Còn lễ Thanksgiving Day như một nhắc nhở mọi công dân Nước Mỹ hướng về thiên Chúa để Tạ Ơn và sống theo ý Ngài. Có lẽ ai cũng biết, trên tất cả những tờ đôla Mỹ, từ 1 đôla cho tới 100 đôla, mọi người đều thấy dòng chữ IN GOD WE TRUST (Chúng tôi tin vào Thiên Chúa). Phải chăng đó cũng là lời nhắc bảo con người hướng lên Thiên Chúa Tình Yêu khi chúng ta dùng những phương tiện trần thế để chu toàn bổn phận của mình mỗi ngày theo thánh ý Thiên Chúa.

Vô cảm với Thiên Chúa, với ơn của Ngài là nguyên nhân dẫn đến vô cảm với chân lý, với sự thật, với nỗi đau của tha nhân.

Thật không thừa khi chúng ta nghe lại lời phát biểu của Tổng Thống Mỹ Abraham Lincoln trong Tuyên Ngôn Lễ Tạ Ơn Tại Washington, DC Ngày 3/10/1863: "Năm sắp hết, được nhiều ơn lành với đồng ruộng nhiều hoa trái và trời quang đãng. Chúng ta vẫn luôn được hưởng quà tặng, thế mà ta có xu hướng quên đi nguồn gốc ta đến đây. Được thêm nhiều cái khác quá phi thường nữa, thâm nhập tràn lan đất nước mà trái tim còn mềm yếu trở nên vô cảm trước mặt Thiên Chúa Toàn năng Quan phòng An bài”

Ước mong Lời Chúa hôm nay soi dẫn mỗi người chúng ta tỉnh thức để hoán cải và sửa đổi cuộc đời mình theo gương Chúa Giêsu sống yêu thương phục vụ đến cùng, hầu có thể chu toàn bổn phận người con, người tôi tớ của Thiên Chúa trong suốt năm phụng vụ mới. Đừng chạy theo những giá trị trần thế mà vô cảm trước cái xấu đang hoành hành, trước sự thật và công lý đang bị che đậy, tình yêu bị lạm dụng

Phó tế Thomas Nguyễn Văn Hiệp

TỈNH THỨC
Chúa Nhật I MV – B – (Mc 13, 33 – 37)


Thiên Chúa nhân từ đến thăm ta,

không chiêng không trống chẳng phèng la.

Âm thầm, khiêm tốn, như hành khất,

lặng lẽ, đơn sơ, cách chủ nhà.

Tỉnh thức, định phân, hầu diện kiến,

Ngủ mê, bạc nhược, chẳng nhìn ra.

Quên mình phục vụ tha nhân tính,

dung mạo Tình Yêu tỏa sáng lòa.

24/11/2011
Hạt Nắng
TỈNH THỨC
Chúa Nhật I MV – B – (Mc 13, 33, 37)


Trong bóng đêm, con khát khao, một vì sao,
trong tối tăm, con ngước trông, ánh mặt trời hồng.
Nơi hố sâu, bao thú vui, ru hồn con say ngủ,
cơn lãng du, trong xót xa, chợt nghe tiếng Chúa vang xa.

Con lắng nghe, trong gió êm, lời âu yếm,
hãy bước ra, trong xót xa, giấc ngủ miệt mài.
Ơn thánh ân, ơn Chúa ban, cho con nguồn ánh sáng,
ơn xót thương, bao vấn vương, lay con tỉnh giấc miên trường.

Tỉnh thức, con nhận ra,
Chúa đến bên con, bất chợt bên đường.
Tỉnh thức, con nhận ra,
Chúa đến bên con, nơi người nghèo khổ.
Tỉnh thức, con nhận ra,
Chúa đến trần gian, mở đường cứu độ.
Tỉnh thức, con nhận ra,
Dung mạo Tình Yêu, nhân ái huyền siêu.

Con bước đi, trong nắng mai, tình nhân ái,
con bước vui, trong gió reo, chia sẻ phận nghèo.
Trong khát khao, con ước mong, công bình xây cuộc sống,
nơi thẳm sâu, mỗi trái tim, tình yêu Thiên Chúa đong đầy.

25/11/2011
M. Madalena Hoa Ngâu

KHÁT VỌNG
Chúa Nhật I MV – B – (MC 13, 33, 37)


Cuộc đời con đong đầy khát vọng,
khát nhà cao, cửa rộng bằng người.
Khát đời sống được sáng tươi,
quyền uy, danh vọng cho đời lên hương.

Ôm khát vọng, tìm đường, lách lối,
chỉ thấy toàn giả dối, phù du.
Lý trí bao phủ mây mù,
nhân cách, đạo đức bỏ tù lương tâm.

Mùa Vọng về, thì thầm tiếng Chúa,
nhắc nhở con tu sửa tâm hồn.
Nguyện cầu xin Chúa thêm ơn.
tỉnh thức chiến đấu, chẳng sờn gian nan.

Quyết từ giã nẻo đàng bất chính,
đường lối Chúa minh định hướng đi.
Công bằng, chân lý duy trì,
tha nhân đồng loại thực thi nghĩa tình.

Nhận ra Chúa giáng sinh nhập thế,
giữa cuộc đời dâu bể, khổ đau.
Nơi người cùng khổ, âu sầu,
dung mạo Thiên Chúa nhiệm mầu viếng thăm.

Khao khát Chúa, ngự trong tâm …

25/11/2011
Bâng Khuâng Chiều Tím


MÙA VỌNG

Mùa Vọng khẩn cầu với tấm lòng
Kiên trung chuẩn bị luôn đề phòng
Yêu thương phục vụ ta không nản
Lánh dữ làm lành Chúa thưởng công
Thức tỉnh đón chờ ơn cứu độ
Ăn năn tha hết tội tiêu vong
Khôn ngoan sống đạo theo đường Chúa
Hạnh phúc Thiên Đàng ai khát mong

Lm. Khuất Dũng sss

TỈNH THỨC

Nghĩ suy cùng đích cuộc đời
Bất “ ngờ ” Chúa đến vui cười hân hoan
Sẵn sàng lãnh nhận hồng ân
Kinh cầu, Thánh Lễ chuyên cần nêu gương
Việc lành phúc đức tỏa hương
Yêu thương, phục vụ, khiêm nhường đắp xây
Sống theo ý Chúa từ đây
Phút giây nên thánh từng ngày hôm nay
Quên đi quá khứ u hoài
Lắng lo hiện tại, tương lai xa vời
Đẹp lòng Thiên Chúa, ai ơi !
Sống luôn “ tỉnh thức ” là người khôn ngoan.

CÂU ĐỐI

THỨC TỈNH ĐÓN CHỜ ƠN CỨU ĐỘ
ĂN CHAY CẦU NGUYỆN PHÚC BÌNH AN

Lm. Khuất Dũng sss


CHỜ NGƯỜI
CN1MVNB. (Mt.13,33-37)

LỜI        NGÀI nhắc nhở hồn con  
NGÀI      cho  con biết để còn dọn tâm
CẢNH     quan tỉnh thức khỏi lầm 
TỈNH      luôn cầu nguyện âm thầm đợi mong 
HỒN       ơi! phải giữ cho trong
TÔI         nên biết tự mở lòng đón ơn 

NĂM       cùng tháng tận chập chờn 
CÙNG     nhau giúp kẻ cô đơn người già 
THÁNG   này bão lụt phong ba
TẬN        cùng khốn khổ xảy ra cho người 
TRONG   lòng dân tộc khóc, cười
NÔI        ru con lớn thành người Ki tô
CUỘC     đời  bao việc tông đồ
ĐỜI        con theo bước chân thô Ngôi Lời

MÙA       đông đói rét tả tơi 
VỌNG     ngân lại tiếng Ngôi Lời bảo con
ĐANG     cần một tấm lòng son
ĐẾN       người đồng loại đang còn khổ đau
KHẮP      cùng khốn khổ kêu cầu
NƠI        đâu đói khát chia nhau giúp đời 

TỈNH       lên chờ đón Ngôi Lời
HỒN        con thờ một Chúa Trời mà thôi 
CHỜ        mong suốt cả cuộc đời
ĐÓN        chờ Thiên Tử Ngôi Lời đến thăm
NGÔI       cao hạ xuống lạnh căm
LỜI          Ngài thơm ngát quanh năm cuộc đời
GIÁNG     Lâm tình sử tuyệt vời
SINH        ra để cứu con người chúng con.

25.11.2011 Thanh Sơn

 TỈNH THỨC

Ví như người chủ đi xa
Trao quyền canh giữ cửa nhà sớm hôm
Chong đèn canh thức sẵn sàng
Dẫu Người về giữa canh tàn, đêm khuya 
Bất ngờ thời khắc Người về
Ta còn tỉnh thức tràn trề niềm vui
Hay trong say giấc ngủ vùi
Uổng đi một cuộc trần đời hư vong
Vọng hồng mùa của đợi trông
Ngôi Hai Cứu Thế đêm đông giáng trần
Cùng trong canh thức chờ mong
Ngôi Hai Thẩm Phán quang lâm ngự triều
Đầy bình dầu của Tình Yêu
Đèn chong sáng tỏa ánh thiều hy sinh
Hoa giăng hương sắc chung tình
Miệng đang hát khúc cậy tin Chúa Trời
Ngày chủ về, ngày vui tươi
Thâm tình chủ tớ nụ cười trao ban
Say duyên trần thế Thiên đàng
Cho ai tỉnh thức sẵn sàng đợi trông.

25/11/2011
Mic. Cao Danh Viện


ĐỢI TRÔNG
(Mc13, 33-37 )

Tỉnh thức mà trông đợi chủ về
Khi nào? – Ai biết! Chớ nằm mê!
Nửa đêm vắng vẻ, không lơi lỏng
Chập tối ồn ào, chẳng bỏ bê.
Đầy tớ siêng năng, công việc tốt
Quản gia chăm chỉ, giỏi trăm bề.
Đêm dài mặc kệ- luôn tin tưởng
Chủ đến, ta còn thức, sướng ghê!

Đỗ Văn


TỈNH THỨC
CN 1 mùa vọng (Mc 13, 33-37)

Anh em tỉnh thức, coi chừng
Khi thời ấy đến, lừng khừng được sao?
Như người kia trẩy phương nao
Trao quyền đầy tớ, việc nào nấy lo
Lệnh truyền: Giữ cửa nhớ cho
Sẵn sàng tỉnh thức, rình mò lỡ khi
Vậy anh em tỉnh thức vì
Khi nào chủ đến chuyện gì biết đâu
Nửa đêm, chập tối…nhiệm mầu!
Gà vừa gáy sáng, đêm thâu mơ màng
Anh em canh thức sẵn sàng
Kẻo khi chủ đến còn đang giấc thèm
Điều Thầy nói với anh em
Thì Thầy nói thật cũng kèm muôn dân:
Sẵn sàng canh thức ân cần.
*
Lời xưa nhắn nhủ mười phần khắc ghi
Chuyện canh thức chẳng lạ gì
Thế mà bắt chợt nhiều khi bao người
Hôm qua khỏe mạnh tươi cười
Đầu hôm đi ngủ: Kiếp người đã xong!
Chuyện mười trinh nữ thuộc lòng
Thực thi ý Chúa mới hòng trường sinh.

Giuse Nguyễn Văn Sướng.

TỈNH THỨC SẴN SÀNG


Mùa vọng đến hãy cùng nhau sám hối
Tẩy rửa tâm hồn đường lối thẳng ngay
Tỉnh thức sẵn sàng đèn sáng trong tay
Thánh thiện tươi cười chờ ngày Chúa tới

Mùa vọng đến mùa tâm hồn đổi mới
Mùa đợi chờ mùa vun xới ân tình
Lòng hân hoan mừng đón Chúa giáng sinh
Cho nhân loại vị cứu tinh trần thế

Con lậy Chúa tâm hồn con hoang phế
Đã bao lần lầm lỗi để đau thương
Xin Chúa ban thêm sức mạnh can trường
Cho con bước dẫu trên đường nguy khốn

Hãy sẵn sàng ở mọi nơi mọi chốn
Biết giờ nào ý Chúa muốn thăm ta
Như người chủ bất chợt trở về nhà
Không nóng giận những điều ta đã hứa

Con lậy Chúa ban con tình chan chứa
Yêu thương người thờ kính Chúa trên cao
Linh hồn con luôn vui sướng dạt dào
Chờ đón Chúa ngày giờ nào Ngài đến

Vincent Khánh Trần

TRÔNG ĐỢI
Chủ Nhật thứ nhất MV-B (Mc.13, 33-37)

Thế giới hôm nay thật tối mù,
loài người mê mệt kiếp phù du.
Núi đồi gò trũng hãy san phẳng,
đón Chúa xua tan cảnh mịt mù.

Ngày Chủ gọi ta ra với Ngài,
vui mừng vội vã tiếp Người ngay,
hay còn say giấc ngủ mê mệt,
Chủ đã về nào ta có hay.

Người đến không như là đế vương,
vua trời đất chẳng phải người thường,
âm thầm lặng lẽ không kèn trống,
hậu ủng tiền đưa thích biểu dương.

Không la liệt sắc áo màu cờ,
Chúa tái lâm ai biết chữ ngờ,
vinh phúc cho người luôn tỉnh thức,
ngồi bàn cùng Đấng đã tôn thờ.

Nai khát đi tìm suối nước trong,
đoàn con đang khát khao chờ mong,
theo thời gian bước vào “Mùa vọng”,
trông Chúa mỏi mòn lòng sắt son

Paul Nguyễn Minh Thông


THỨC TỈNH VỌNG CHÚA
(Mt 13,33-37)

Thức tỉnh sẵn sàng Chúa trở lại
Canh khuya chập tối hoặc ban mai
Chu toàn bổn phận từng giây phút
Hạnh phúc thiên thu kết hợp Ngài.

Thấm thoát trăm năm lá rụng cội
Đông xuân phụng vụ nẩy mầm chồi
Hè thu đức hạnh đơm hoa quả
Thức tỉnh ân tình Chúa sánh đôi.

Trái đất tròn xoay giục thức tỉnh
Đèn chầu thánh lễ rạng huyền linh
Lời kinh cầu nguyện dâng liên tiếp
Giáo Hội đầy tràn Chúa Thánh Linh.

Bảy tỉ con người cháy khát vọng
Niềm tin hướng tới đỉnh hoài mong
Áng mây ánh đuốc Ngài đưa lối
Thánh hiến lương tâm sống sạch trong.

Đấng thánh gieo sương đất thuận thảo
Ăn năn thiện hảo vọng trời cao
Bê-lem Chúa đến Vua khiêm hạ
Trở lại vinh quang chói cẩm bào.

Cảm tạ Vua Trời hứa lại đến
Chúa chiên quý trọng gọi từng tên
Tin Mừng thức tỉnh lòng chung thủy
Vọng Chúa tình con nguyện vững bền.

Cát Vàng- 24-11-2011

BÓNG ĐÊM VÀ ÁNH SÁNG
Chúa Nhật I MV – B – (Mc 13, 33 – 37)


Bóng đêm cuộc đời, đưa con vào lạc thú,
quấn chặt hồn con trong tấm lưới vô hình.
Phú quí, bạc tiền che mờ con mắt tâm linh ,
danh vọng, quyền uy,
là hố sâu, giam kiếp sống ngục tù.

Chúa vẫn lặng thầm, theo con từng ngày tháng,
nhắc nhở hồn con, mau tỉnh thức quay về.
Tội lỗi đoạn tuyệt, giã từ kiếp sống u mê,
giấc mộng phù du,
theo lá bay, chết trong gió chiều thu.

Tỉnh thức, đợi chờ, nhận ra Chúa đến bên con,
dáng người héo hon, xanh xao, bên đường khốn khổ.
Tỉnh thức, đợi chờ, nhận ra ánh sáng Ki-tô,
dung mạo tình yêu, đến bên con, trong kiếp đơn nghèo.

Bóng đêm lùi dần, đưa con vào nguồn sáng,
trách nhiệm Ngài trao, siêng năng giữ trung thành.
Gian khó chẳng sờn, vào đời yêu mến tha nhân,
phục vụ, hy sinh
ơn Chúa ban, con biết sống quên mình.

24/11/2011
Nắng Sài Gòn

ĐÁNH THỨC
Chúa nhật I Mùa Vọng - Năm B – (Mc 13,33-37)
Chúa đánh thức con, những tháng ngày mê ngủ,
đam mê bạc tiền, mê danh vọng, quyền uy.
Chỉ cơn gió thoảng qua, con còn lại được gì,
ngày Chúa đến,
con tỉnh thức, hay vẫn ngủ vùi trong tội lỗi?

Tính tự mãn, con ngại ngùng đổi mới,
ngại dấn thân, con quen thói ù lì.
Tự cho mình đã giữ đủ lễ nghi,
như người Biệt phái, Thượng tế, Kinh sư,
đã không nhận ra ngày Chúa đến.

Ngày Chúa đến, khắp trần hoàn cung tiến,
chỉ những tâm hồn bé nhỏ sống khiêm cung,
mới lắng nghe được tiếng nhạc oai hùng.
Cùng tiếng hát của vô vàn Thiên Sứ,
cất vang lời tôn vinh Thiên Chúa.

Như mục đồng đơn sơ hồn vui mừng chan chứa,
nhận ra Chúa Hài Nhi nơi máng cỏ nghèo hèn.
Như bao cõi lòng mong vượt thoát đêm đen,
của người thu thuế, của cô gái điếm,
lòng khắc khoải mong tìm về nẻo chính.

Chúa đánh thức con, hồn bàng hoàng thức tỉnh,
mau nhập cuộc với Ngài bằng hành động yêu thương.
Bác ái với tha nhân, theo ánh sáng dẫn đường,
sống tỉnh thức, đợi chờ ngày Chúa đến.

AP. Mặc Trầm Cung
[blogger][facebook][disqus]

Author Name

{picture#https://1.bp.blogspot.com/-E9BgdfTl7Ug/Xpa2B9OupwI/AAAAAAAAA1U/PnbaR3h3-jE-jQ5GwdNpEvZGUfRWCLz6gCLcBGAsYHQ/s1600/Ch%25C6%25B0a%2B%25C4%2591%25E1%25BA%25B7t%2Bt%25C3%25AAn-1.png} {facebook#https://www.facebook.com/giaoxulocthuygpvinh} {twitter#https://twitter.com/giaoxulocthuy} {youtube#https://www.youtube.com/@giaoxulocthuy}

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.